Tạng phủ liệu pháp trong y học cổ truyền
Trong y học cổ truyền (YHCT), việc dùng các phủ tạng động vật để chữa trị bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho con người đã có một lịch sử lâu đời và hàm chứa ý nghĩa hết sức độc đáo. Có thể nói đó là cội nguồn, là cơ sở để hình thành một phương pháp trị liệu đặc biệt mà ngày nay người ta gọi là Phủ tạng liệu pháp (Viscera therapy). Các cơ quan của cơ thể động vật mà YHCT sử dụng được phân thành ba nhóm là : ngũ tạng, lục phủ và phủ kỳ hằng, bao gồm : tim, gan, lá lách, phổi, thận, túi mật, ruột già, ruột non, bàng quang, dạ dày, não, tuỷ, xương, bào thai. Ngoài ra, tuyến tuỵ, tuyến giáp trạng, tinh hoàn, dương vật và huyết dịch động vật cũng thường được sử dụng để làm thuốc.
Cơ sở lý luận của phủ tạng liệu pháp trong YHCT chủ yếu dựa trên hai học thuyết là “Đồng khí tương cầu” và “Dĩ tạng liệu pháp". Cổ nhân cho rằng thuốc được chế từ phủ tạng động vật có tính thuần hậu, gắn bó mật thiết và gần gũi với cơ thể con người hơn so với thuốc có nguồn gốc thảo dược nên dễ được cơ thể chấp nhận và hấp thụ. Mặt khác, ngoài công năng trị bệnh, loại thuốc này còn có khả năng điều dưỡng, bồi bổ trên nhiều phương diện. Cổ nhân cũng cho rằng các phủ tạng động vật và các phủ tạng tương ứng trong cơ thể con người thường có cấu trúc và chức năng tương tự nhau, bởi thế khi một cơ quan nào đó trong nhân thể bị bệnh thì có thể dùng phủ tạng động vật tương ứng để làm thức ăn hoặc làm thuốc. Đó cũng chính là nội dung cơ bản của học thuyết "Dĩ tạng liệu pháp", hay còn gọi là "Dĩ tạng bổ tạng".
Tạng phủ liệu pháp trong y học cổ truyền có phạm vi sử dụng khá rộng rãi, hình thức thường rất linh hoạt và phong phú, có thể uống trong hoặc dùng ngoài, có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các dược vật khác nhằm phát huy triệt để và nâng cao hiệu quả chữa bệnh và cũng có thể được sử dụng dưới dạng món ăn - bài thuốc (dược thiện) với màu sắc và mùi vị hấp dẫn, dễ được người bệnh chấp nhận. Có thể nói, tạng phủ liệu pháp là một trong những chiếc cầu nối giữa dược phẩm và thực phẩm, giữa thuốc và các biện pháp trị liệu chuyên biệt với món ăn và các sinh hoạt ẩm thực thường ngày, Bởi vậy, tạng phủ liệu pháp được nuôi dưỡng và lưu truyền khá rộng rãi trong dân gian. Đại thể mà nói, theo YHCT, tạng phủ liệu pháp có công dụng bổ hư cường tráng, giải độc, trấn tĩnh, trừ phong, sát trùng, điều hoà hoạt động của các tạng phủ trong cơ thể. Tạng phủ của các động vật khác nhau thì công dụng cũng có những điểm không giống nhau, nhưng công năng chủ yếu vẫn thiên về điều hoà và bổ dưỡng.
Tạng phủ liệu pháp có cội nguồn từ xa xưa khi con người còn sống trong thời kỳ “ăn lông ở lỗ”. Khi đó, để đấu tranh và thích ứng với thiên nhiên, tổ tiên con người đã không ngừng tìm kiếm và phát hiện các nguồn thực phẩm khác nhau, trong đó có phủ tạng của các loài động vật. Dần theo năm tháng, họ còn khám phá ra công dụng chữa bệnh của các thực phẩm này và từ đó xây dựng nên một phương pháp điều trị độc đáo có cơ sở lý luận vững chắc dựa trên quan điểm “Dược thực đồng nguyên” (thực phẩm và dược phẩm có cùng nguồn gốc).
Từ hơn 2000 năm trước, trong y thư kinh điển Hoàng đế nội kinh, cổ nhân đã viết : “Độc dược công tà, ngũ cốc vi dưỡng, ngũ quả vi trợ, ngũ súc vi ích, ngũ thái vi sung”. Quan niệm này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phương thức chữa bệnh bằng ăn uống, trong đó coi “ngũ súc” (gồm thịt và phủ tạng động vật) có giá trị như một loại dược phẩm có công dụng bổ ích.
Trong Thần nông bản thảo, y thư cổ nhất còn lưu truyền đến ngày nay cũng đã ghi lại phương pháp dùng các phủ tạng động vật để làm thuốc chữa bệnh như mật chó, mật bò, tuỷ trâu, mật cá chép. Trương Trọng Cảnh, y gia trứ danh đời Hán (Trung Quốc) trong Thương hàn tạp bệnh luận cũng đã ghi lại nhièu phương thuốc có sử dụng gan gà, gan bò, gan rái cá, mật lợn...để tri liệu tật bệnh. Ví như, trong các phương thang nổi tiếng "Bạch thông gia trư đởm chấp thang", "Thất can tán" của Ông, các phủ tạng động vật như mật lợn, gan rái cá có vị trí hết sức quan trọng. Đến đời Tấn, danh y Cát Hồng đã dùng não của chó dại để bôi lên các vết thương do chó dại cắn nhằm mục đích phòng chống bệnh dại.
Đời Đường, đại danh y Tôn Tư Mạo trong sách Thiên kim yếu phương đã đề xướng phương pháp "Thực trị" và tiến hành tổng kết vậ dụng gần 100 bài thuốc có sử dụng các phủ tạng động vật để điều trị nhiều chứng bệnh thuộc nhiều chuyên khoa như nội, ngoại, sản, nhi, mắt và xương khớp. Ông là người đã đưa tạng phủ liệu pháp lên một tầm cao mới, đặt cơ sở cho sự ra đời của các cuốn sách thực trị nổi tiếng đời sau như Thực liệu bản thảo, Thực y tâm kính...
Đến đời Tống, danh y Trần Thực Canh trong sách Dưỡng lão thực thân thư đã xây dựng gần 200 phương thuốc có công dụng bổ dưỡng, trong đó có đến gần một nửa số phương thuốc này có sử dụng phủ tạng động vật. Đến đời Nguyên, y gia Hốt Tư Tuệ đã trọng dụng các sản phẩm lấy từ con dê để xây dựng nên nhiều phương thuốc độc đáo, trong đó ngoài thịt dê, Ông còn dùng tim, gan, phổi, dạ dày, ruột, tuỷ dê...để chữa nhiều chứng bệnh khác nhau. Cuốn sách ẩm thực chính yếu của Ông thực sự trở thành một cuốn cẩm nang cho các y gia đời sau, trong đó co nhà y học vĩ đại Chu Đan Khê, tác giả của bài thuốc "Đại bổ âm hoàn" nổi tiếng sử dụng tuỷ lợn là một trong những vị thuốc chính yếu.
Đến đời Minh, nhà bác học Lý Thời Trân trong Bản thảo cương mục đã thu thập và xây dựng một cách có hệ thống phương pháp dùng phủ tạng động vật để chữa bệnh, trong đó các phủ tạng động vật được ghi rõ tính vị, công dụng, phương thức phối hợp và những điều cấm kỵ khi sử dụng. Trên cơ sở đó, các cuốn sách về thực trị sau này như Phổ tế phương, Tuỳ tức cư ẩm thực phổ...đã xây dựng thêm nhiều nội dung phong phú hơn.
ở nước ta, các đại danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng đã chú trọng sử dụng các phủ tạng động vật để làm thuốc. Trong trước tác của mình, Hải Thượng Lãn Ông đã ghi lại nhiều phương thuốc có sử dụng phủ tạng động vật. Theo thống kê, trong Tuệ Tĩnh toàn tập có đến hơn 140 phương thuốc loại này. Đó là chưa kể đến số lượng các bài thuốc được chế từ phủ tạng động vật vẫn còn lưu truyền rộng rái trong dân gian.
Ngày nay, trong điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện, miếng thịt không còn là của hiếm đối với người nghèo, thậm chí thịt và phủ tạng động vật trở nên thừa thãi đối với một bộ phận dân chúng, thiết nghĩ, vấn đề phủ tạng liệu pháp của YHCT vẫn nên được chú ý thừa kế và phát triển hơn nữa, ngõ hầu giúp cho dân ta biết ăn thịt và các phủ tạng động vật một cách thông minh, khôn ngoan và khoa học, góp phần phòng chống có chất lượng nhiều căn bệnh phức tạp nhưng không đáng có của xã hội hiện đại.
ThS Hoàng Khánh Toàn