Gọi điện thoại
0989326799

cách dùng tỏi bổ dưỡng và phòng chống bệnh tật

cách dùng tỏi bổ dưỡng và phòng chống bệnh tật

     Tỏi là một thực phẩm và cũng là một vị thuốc đã được y học cổ truyền Đông Tây sử dụng từ rất sớm. Theo đông y, tỏi vị cay, tính ấm, có công dụng hành khí trệ, làm ấm tỳ vị, tiêu tích, giải độc và sát trùng, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như ẩm thực tích trệ (đầy bụng, chậm tiêu, rối loạn tiêu hoá), quản phúc lãnh thống (đau bụng do lạnh), thuỷ thũng (phù thũng), tiết tả (ỉa chảy), lỵ tật (bệnh lỵ), ngược tật (sốt rét), bách nhật khái (ho gà), ung thư thũng độc (mụn nhọt, đinh độc, viêm loét lâu liền...), rụng tóc, nấm tóc, rắn cắn...

     Trong vài chục năm gần đây, y học hiện đại cũng đã nghiên cứu rất sâu về tỏi trên mọi phương diện và nhận thấy tỏi có tác dụng dược lý rất phong phú và độc đáo như : có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, kháng vi rút và kháng ký sinh trùng đường ruột ; điều chỉnh rối loạn lipid máu và làm giảm đường máu ; hạ huyết áp, cải thiện sức co bóp cơ tim, lợi tiểu ; chống đông máu, ức chế sự ngưng tập tiểu cầu, gia tăng hoạt tính dung giải fibrin và làm chậm quá trình vữa xơ động mạch ; thúc đẩy bài tiết dịch vị và chuyển hoá cơ thể ; bảo hộ tế bào gan, chống oxy hoá và làm chậm quá trình lão hoá ; chống viêm và chống ung thư ; nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể...Trên lâm sàng, tỏi và các chế phẩm của nó đã được dùng để chữa các bệnh như viêm nhiễm đường hô hấp trên (viêm mũi, viêm họng, viêm amydal...), viêm tai giữa cấp và mạn tính, viêm phổi, lỵ trực khuẩn, bạch hầu, ho gà, lao phổi, thương hàn, phó thương hàn, viêm gan truyền nhiễm, viêm đại tràng mạn tính, cảm cúm, nấm tóc, viêm âm đạo do trùng roi, rối loạn lipid máu...

     Hơn nữa, tỏi còn có giá trị dinh dưỡng khá cao. Người ta ước tính trong mỗi 100g tỏi tươi có chứa 62,8g nước, 6,3g protein, 0,1g lipid, 29g hydrat carbon, nhiều các nguyên tố vi lượng như Ca, Fe, P và các vitamin như C, B1, B2...Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, nếu như nhiệt lượng của mỗi 100g hành và 100g cải trắng là 27 và 12 calo thì chỉ số này của tỏi đạt tới 138 calo. Như vậy, có thể thấy, tỏi thực sự là một thực - dược phẩm có tác dụng tăng cường sức khoẻ, phòng chống bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, cách thức chế biến và sử dụng tỏi như thế nào cho tiện lợi, rẻ tiền và có hiệu quả là một vấn đề được nhiều người rất quan tâm. Bài viết này xin được giới thiệu với bạn đọc một số cách chế đơn giản và thông dụng.

   * Tỏi tươi

     Là dạng dễ dùng nhất, có thể ăn sống hoặc dầm vào nước chấm. Nhai sống tỏi rất có lợi vì các vi khuẩn trong khoang miệng sẽ bị tiêu diệt. Nói chung mỗi ngày nên ăn 2 tép tỏi là đủ, nhiều hơn hoặc ít hơn một chút đều được. Ăn nhiều quá cũng không có lợi vì dạ dày sẽ dễ bị kích thích trực tiếp và chất axilin có trong thành phần của tỏi có thể gây chứng tan máu. Theo các nhà dinh dưỡng, mỗi ngày nên ăn khoảng 10g tỏi là hoàn toàn vô hại. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng kiếm được tỏi tươi và ăn tỏi tươi hay có mùi hôi nên người ta thường chế biến thành các dạng khác dùng khác.

   * Tỏi ngâm

     Có thể ngâm dấm hoặc ngâm đường. Trong môi trường axit tác dụng của tỏi tăng gấp 4 lần nên dùng tỏi ngâm dấm là rất tốt. Cách chế : lấy 50g tỏi tươi bóc vỏ rồi ngâm với 100 ml dấm gạo, sau chừng mươi ngày là dùng được, nếu để đủ 30 ngày thì càng tốt. Tỏi ngâm đường : lấy 50g tỏi đem ngâm nước trong 7 ngày, mỗi ngày thay nước một lần, sau đó bóc bỏ vỏ rồi ngâm với muối một lúc cho chảy hết nước. Hoà 800g đường trắng trong một cái liễn miệng nhỏ với lượng nước chín vừa đủ, đổ tỏi vào ngâm trong 1 tháng là có thể ăn được. Tỏi ngâm đường có vị mặn ngọt, giàn thơm rất thú vị.

   * Rượu tỏi

     Có nhiều cách chế rượu tỏi : (1) Lấy 25g tỏi bóc vỏ, giã nát rồi đem ngâm với 100 ml rượu trắng, bịt kín miệng bình, để chỗ thoáng mát, sau 7 ngày là có thể dùng được, mỗi ngày uống 1 - 2 lần, mỗi lần 25 - 30 ml. (2) Dùng một cái bình miệng hẹp hoặc một vò rượu, đổ tỏi đã bóc vỏ vào đầy chừng 7/10 bình, xen kẽ với tỏi rải từng lớp đường phèn đã đập vụn, rót rượu trắng vào cho đến khi ngập hết tỏi. Bịt kín miệng bình, để chỗ râm mát, sau 30 ngày là có thể dùng được, để càng lâu thì càng tốt, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 25 ml. (3) Lấy 50g tỏi bóc vỏ, thái nhỏ rồi đem ngâm với 100 ml rượu trắng 45° trong lọ kín, thỉnh thoảng lắc đều, sau chừng 10 ngày là dùng được, mỗi ngày uống 2 lần (sáng trước khi ăn và tối trước khi ngủ), mỗi lần 40 giọt (tương đương với 1 thìa cà phê nhỏ). (4) Lấy 500g tỏi bóc vỏ, đem hấp trong 20 phút để làm mất mùi, sau khi nguội cho vào trong lọ sứ ngâm với 2500 ml rượu trắng và 500g đường phèn, bịt kín miệng, để nơi thoáng mát, sau 30 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20 - 25 ml.

   * Siro tỏi

     Có nhiều cách chế siro tỏi : (1) Lấy 100g tỏi bóc vỏ, giã nát rồi đem ngâm trong 200 ml dấm gạo, chế thêm 100g đường đỏ, ngâm trong bình kín, sau 10 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 2 - 3 lần, mõi lần 10 ml. (2) Dùng 500g tỏi bóc vỏ, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước rồi pha với 300 ml siro đường đơn (monosaccharide) và 2 ml acid acetic, dùng nước cất pha loãng cho đến 1000 ml là được. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 ml. (3) Lấy 50g tỏi vỏ tím, bóc vỏ rồi ngâm vơi nước ấm 38°C trong 2 giờ, sau đó dùng vải màn sạch lọc lấy nước, chế thêm một lượng siro đơn vừa phải, cho vào lọ để trong tủ lạnh dùng dần, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 - 30 ml. (4) Dùng 100 ml nước tỏi vỏ tím 20% pha với 40 ml nước lá trà tươi 20% và 60 ml siro đường đơn. Người lớn uống mỗi lần 10 - 15 ml, trẻ em trên 10 tuổi mỗi lần 10 ml, trẻ em dưới 10 tuổi mỗi lần 5 ml, trẻ em 2 - 3 tuổi mỗi lần 2,5 ml.

   * Trà tỏi

     Công thức 1 :  Tỏi 15g, sơn tra 30g, thảo quyết minh 10g. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, thái mỏng rồi đem hãm với nước sôi trong bình kín cùng với sơn tra và thảo quyết minh, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : hạ mỡ máu, chống béo phì, tiêu thực tích.

     Công thức 2 :  Tỏi vỏ tím 10g, kim ngân hoa 6g, trà xanh 3g, cam thảo 2g. Tỏi bóc vỏ, giã nát rồi đem hãm với nước sôi trong bình kín cùng với kim ngân hoa, trà xanh và cam thảo, sau chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng : thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt trừ thấp.

   * Tỏi và các món ăn - bài thuốc

     Bài 1 :  Tỏi 30g, chim bồ câu 1 con. Chim bồ câu làm thịt, bỏ lông và nội tạng, rửa sạch cho vào bát cùng với tỏi đã bóc bỏ vỏ, cho đủ gia vị, chế thêm một chút rượu vang và nước trắng rồi đem hấp cách thuỷ, ăn nóng. Công dụng : bổ khí dưỡng huyết, ích tuỷ sinh tinh.

     Bài 2 :  Tỏi 50g, thịt dê nạc 250g. Thịt dê rửa sạch, thái miếng, ướp gia vị ; tỏi bóc vỏ đập giập. Cho dầu thực vật vào chảo đun nóng già, bỏ thịt dê vào xào chín tái, bỏ tỏi và các gia vị vừa đủ đun thêm một lát là được, ăn nóng. Công dụng : ôn thận tráng dương, bổ khí sinh tinh.

     Bài 3 :  Tỏi 30g, thịt yếm ba ba 250g. Thịt yếm ba ba rửa sạch, cắt thành miếng bỏ vào đun sôi vài lần, vớt ra rồi đem rán qua ; tỏi bóc bỏ vỏ, cho vào chảo rán qua cho có màu vàng non, tiếp đó cho thịt ba ba vào xào, chế thêm các gia vị như gừng, hành, muối, đường, một chút rượu và nước vừa đủ, dùng lửa nhỏ ninh trong 30 phút là được. Công dụng : tư âm bổ thận.

     Bài 4 :  Tỏi 100g, dạ dày lợn 1 cái, sa nhân 3g. Dạ dày lợn rửa sạch, cho sa nhân và tỏi đã bóc vỏ vào trong, lấy chỉ khâu lại, cho vào nồi, chế thêm rượu, muối và nước lượng vừa đủ rồi hầm cho đến khi chín nhừ là được, cho thêm một chút mì chính, ăn nóng. Công dụng : bổ hư nhược, kiện tỳ vị.

ThS Hoàng Khánh Toàn