Hỏi - Đáp 2
Hỏi : Tôi bị viêm loét dạ dày tá tràng và xét nghiệm máu HBsAg (+), nghe nói tỏi có thể chữa được nhiều thứ bệnh. Vậy trường hợp của tôi có dùng được rượu tỏi không ? Nếu được thì cách chế và cách dùng cụ thể như thế nào ?
Đáp : Tỏi ngày càng được chứng minh là một dược phẩm có giá trị phòng chống bệnh tật rất tốt. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, tỏi có thể can thiệp hữu hiệu vào các nhóm bệnh như thấp khớp, tim mạch, phế quản, tiêu hoá, trĩ, đái tháo đường...Vả lại, từ ngàn đời nay, tỏi lại là một loại gia vị hết sức thông dụng trong đời sống hàng ngày ở nhiều nơi trên thế giới. Bởi vậy, với trường hợp của bạn, việc dùng rượu tỏi vẫn rất hữu ích miễn là dùng đúng liều và đúng cách. Cách chế và dùng rượu tỏi cụ thể như sau :
Dùng 40g tỏi khô (thường thì mua 50g, bóc bỏ vỏ là vừa), thái nhỏ rồi đem ngâm với 100 ml rượu trắng 45º(rượu lúa mới là tốt nhất) trong bình kín, để nơi thoáng mát, thỉnh thoảng lắc đều, sau chừng 10 ngày là có thể dùng được, lúc này rượu có màu vàng nghệ. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 40 giọt (tương đương với một thìa cà phê) vào buổi sáng trước khi điểm tâm và buổi tối trước khi đi ngủ. Uống liên tục suốt đời, thường thì sau chừng mươi ngày lại phải chế một lần để đảm bảo dùng kế tiếp. Với lượng rượu rất nhỏ như vậy thì những người phải kiêng rượu hoặc không uống được rượu vẫn có thể dùng được.
Hỏi : Tôi nghe nói cây bằng lăng có thể chữa được bệnh tiêu chảy, viêm họng, huyết áp thấp, tiểu đường, sốt...Con trai tôi hay bị tiêu chảy, tôi muốn dùng bằng lăng để chữa không biết có được không ?
Đáp : Cây bằng lăng được dùng làm thuốc còn gọi là bằng lăng tía, săng lẻ, bằng lăng ổi..., có tên khoa học là Lagerstroemia angustifolia Pierre ex Lan, thường mọc ở vùng núi. Vỏ cây bằng lăng có chứa alcaloid, flavonoid, saponin, coumarin...và nhất là tanin, thành phần chủ yếu có tác dụng kháng khuẩn. Người ta đã chứng minh được rằng : cao vỏ cây bằng lăng có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều chủng vi khuẩn như Shigella shigae, Bacillus subtilis, Proteus vulgaris, Shigella flexneri, Shigella sonnei, Salmonella typhi, Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa...và viên bào chế từ cao vỏ cây bằng lăng điều trị lỵ trực khuẩn mức độ nhẹ đạt hiệu quả rất tốt, hơn hẳn tetracyclin và cloramphenicol, tương đương với bactrim ; với lỵ trực khuẩn mức độ vừa hiệu lực không bằng bactrim nhưng tương đương với tetracyclin và cloramphenicol.
Kinh nghiệm dân gian thường dùng nước sắc vỏ cây để rửa vết thương, vết bỏng, chữa lỵ và ghẻ lở. Nhân dân ở các tỉnh miền Trung còn dùng cao bằng lăng phối hợp với cao lá ổi, lá sim để chữa vết thương phần mềm, chữa hắc lào và eczema đạt kết quả tốt. Như vậy, việc bạn muốn dùng cây bằng lăng để chữa bệnh tiêu chảy cho con bạn là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, theo chúng tôi, bạn nên đưa con bạn đến các cơ sở y tế để khám xét tỉ mỉ và có được lời khuyên của thầy thuốc, bởi lẽ tiêu chảy có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên và việc dùng cao hoặc nước sắc vỏ cây săng lẻ chỉ có thể đạt được hiệu quả mĩ mãn khi dùng đúng thể bệnh, đúng liều và có khi rất cần phối hợp thêm với các loại thuốc khác. Vả lại, con trai bạn mới chỉ có 15 tháng tuổi thì việc dùng bất cứ một thứ thuốc nào cũng phải hết sức thận trọng.
Hỏi : Vừa qua, tôi và một số anh em bạn bè có chung nhau mua một con ngựa bạch để lấy xương nấu cao. Vậy, cao ngựa bạch có công dụng gì và cách dùng cụ thể ra sao ?
Đáp : Theo dược học cổ truyền, xương ngựa nói chung và ngựa bạch nói riêng có vị ngọt, tính mát, có công dụng bổ dưỡng, ích khí và làm mạnh gân xương. Xương ngựa thường được nấu thành cao để chữa suy nhược cơ thể ở người mới ốm dậy và phụ nữ sau khi sinh con, chữa các chứng đau nhức gân cốt, phụ nữ kinh nguyệt không đều, trẻ em còi xương, xanh xao, biếng ăn. Cao ngựa bạch đặc biệt tốt đối với những người cao tuổi.
Cách nấu cao xương ngựa bạch cũng giống như nấu cao xương các loại động vật khác. Thông thường một bộ xương ngựa có thể nấu được 5 - 6 kg cao. Cao ngựa có màu nâu, để lâu chuyển thành màu sẫm hơn, rượu cao ngựa bạch có màu trắng sữa. Có 3 cách dùng cao ngựa bạch : (1) Thái miếng ăn trực tiếp hoặc hoà với cháo nóng, mỗi ngày 5 - 10g; (2) Hấp cách thuỷ với mật ong rồi ăn ; (3) Ngâm với rượu trắng 40º (100g cao trong 1000 ml rượu, ngâm càng lâu càng tốt), mỗi ngày uống chừng 20 ml (một chén nhỏ). Theo kinh ngiệm dân gian, khi dùng cao ngựa bạch chú ý kiêng kị các chất tanh như tôm, cá, cua...; chất cay như tỏi, ớt, hạt tiêu...; nước trà đặc, măng, đậu xanh và rau muống.
Hỏi : Làn da mặt của em không được đẹp lắm, có một người bạn khuyên nên dùng lòng đỏ trứng gà hoà với mật ong thoa đều lên mặt hàng ngày thì sẽ có tác dụng giữ gìn và bảo vệ da rất tốt và làm cho da trở nên mịn màng và hồng hào, không biết cs đúng như vậy không ? Xin Toà soạn tư vấn giùm.
Đáp : Việc dùng trứng gà và mật ong để bảo dưỡng và chữa các bệnh lý da nói chung và da mặt nói riêng đã có một lịch sử rất lâu đời. Nhưng chính xác cổ nhân thường dùng lòng trắng chứ không phải là lòng đỏ trứng gà. Theo dược học cổ truyền, mật ong vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ trung, nhuận táo, giảm đau và giải độc. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, với da và niêm mạc, mật ong có tác dụng sát khuẩn, làm sạch, cải thiện hệ tuần vi tuần hoàn và thúc đẩy quá trình chuyển hoá, thay cũ đổi mới của làn da, từ đó giúp cho da luôn được sạch sẽ và tươi sáng. Theo kinh nghiệm dân gian, lòng trắng trứng có công dụng tạo màng, chống nhiễm khuẩn và làm lành nhanh nhanh các vết thương và vết loét, thường được dùng để chữa các vết bỏng, vết thương và dưỡng da, giúp cho da dẻ được mềm mại, mịn màng. Sự phối hợp khôn ngoan giữa mật ong và lòng trắng trứng càng làm tăng thêm hiệu quả dưỡng da của loại mỹ phẩm độc đáo này.
Bởi vậy, việc bạn dùng hỗn dịch mật ong - lòng trắng trứng gà để dưỡng da là hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất cần chú ý mấy điểm : (1) Rửa sạch da mặt trước khi bôi thuốc bằng nước ấm hoặc nước có pha một chút dịch chanh (chừng nửa quả chanh cho 2 lít nước sạch) ; (2) Đánh nhuyễn hỗn dịch trước khi bôi và chỉ cần thoa một lớp rất mỏng ; (3) Lưu thuốc trên da mặt tối thiểu là 60 phút rồi dùng nước ấm rửa thật sạch ; (4) Có thể kết hợp xoa bóp da mặt sau khi dùng thuốc.
ThS Hoàng Khánh Toàn